Các phiên bản Boeing_B-47_Stratojet

Nguồn: Baugher.[3]

B-47A

Chiếc B-47A Stratojet, được báo chí mô tả như là "máy bay ném bom nhanh nhất thế giới" đang bay gần xưởng sản xuất của hãng Boeing tại Wichita, Kansas, 11 tháng 8 năm 1950.

Chiếc đầu tiên được giao vào tháng 12 năm 1950. Cấu hình của những chiếc B-47A gần giống như những chiếc nguyên mẫu XB-47 ban đầu. Chúng được trang bị loại động cơ turbo phản lực J47-GE-11 cung cấp lực đẩy 23 kN (5.200 lbf) tương đương như kiểu động cơ J47-GE-3 trước đó, và chúng cũng được thiết kế để có thể mang các rocket hỗ trợ cất cánh JATO (RATO).

Bốn trong số những chiếc B-47A được trang bị hệ thống dẫn đường và ném bom (BNS) K-2, hệ thống lái tự động HD-21D, một máy tính kiểu tương tự, radar APS-23, và một hệ thống ngắm ném bom Y-4 hay Y-4A. Hai chiếc được trang bị tháp pháo đuôi, trong đó một chiếc trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực (FCS: fire-control system) Emerson A-2 trong khi chiếc kia mang phiên bản General Electric A-5 FCS. Tám chiếc B-47A khác không có vũ khí phòng thủ.

Những chiếc B-47A đều được trang bị ghế phóng. Trong khi phi côngphi công phụ được phóng hướng lên trên, hoa tiêu lại được phóng hướng xuống dưới bởi một kiểu ghế phóng do Stanley Aviation chế tạo.[4] Cao độ an toàn tối thiểu cho kiểu ghế phóng này là khoảng 150 m (500 ft).

Trong khi những chiếc XB-47 được chế tạo tại nhà máy của Boeing tại Seattle, Washington, những chiếc B-47A và mọi phiên bản Boeing B-47 tiếp theo sau được chế tạo tại một nhà máy của chính phủ ở Wichita, Kansas, nơi trước đây hãng đã từng chế tạo những chiếc B-29 Superfortress. Việc chuyển đổ này đã thực hiện do nhà máy tại Seattle đang chịu gánh nặng sản xuất những chiếc KC-97 Stratotanker và các nhiệm vụ khẩn cấp khác.

Đa số những chiếc B-47A được rút khỏi phục vụ vào đầu năm 1952, cho dù còn một chiếc thực hiện các chuyến bay thử nghiệm cho NACA thêm vài năm nữa. Trong giai đoạn Không quân đưa những chiếc B-47A vào hoạt động, sự đối đầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở nên căng thẳng, mà đỉnh điểm là xung đột tại Triều Tiên. Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược (SAC) Không quân Hoa Kỳ cần có một công cụ răn đe hạt nhân hiệu quả nhằm giữ chân Liên Xô; và chiếc Stratojet đúng là công cụ xuất sắc cho nhiệm vụ này.

B-47B

Chiếc Boeing B-47B-40BW (số hiệu 51-2212) thuộc Phi đoàn Ném bom Hạng trung 306 đang hạ cánh với dù hãm.

Chế tạo theo giấy phép nhượng quyền

Sau một loạt các hợp đồng sơ thảo về sản xuất chiếc B-47, vào tháng 11 năm 1949, ngay cả trước chuyến bay đầu tiên của chiếc B-47A, Không quân Hoa Kỳ đã đặt hàng 87 chiếc B-47B, phiên bản hoạt động đầu tiên của kiểu máy bay này. Chiếc B-47B bay chuyến bay đầu tiên vào ngày 26 tháng 4 năm 1951. Có tổng cộng 399 chiếc đã được chế tạo, bao gồm tám chiếc được lắp ráp bởi Lockheed và mười chiếc bởi Douglas, sử dụng các linh kiện do Boeing chế tạo.

Không quân Mỹ đã nôn nóng muốn có được càng nhiều chiếc máy bay B-47 càng nhanh chóng càng tốt, nên đã thỏa thuận với Lockheed và Douglas về việc sản xuất bổ sung. Những chiếc máy bay do Lockheed chế tạo mang số hiệu có đuôi là "-LM (Lockheed Marietta)" còn những chiếc của Douglas mang số hiệu đuôi "-DT (Douglas Tulsa)". Những chiếc của Boeing sản xuất mang số hiệu "-BW (Boeing Wichita)", ngoại trừ những chiếc XB-47 và B-47A chế tạo tại Seattle mang số hiệu "-BO".

Lô đầu tiên gồm 87 chiếc B-47B được trang bị cùng kiểu động cơ J47-GE-11 như của chiếc B-47A, nhưng những chiếc sản xuất sau đó được nâng cấp lên kiểu động cơ turbo phản lực J47-GE-23 có lực đẩy 5.800 lbf (26 kN). Những chiếc sản xuất trước đó được trang bị lại cùng kiểu động cơ được cải tiến này. Tất cả chúng đều có trang bị rocket hỗ trợ cất cánh JATO (RATO) vốn đã được sử dụng trên những chiếc XB-47 và B-47A.

Hệ thống điện tử và ném bom

Mọi máy bay đều được gắn thiết bị chiến đấu đầy đủ. Những chiếc sản xuất ban đầu đã giữ lại hệ thống dẫn đường và ném bom (BNS) K-2 trang bị trên một số chiếc B-47A, nhưng đa số được trang bị hệ thống BNS K-4A, bao gồm một radar cảnh báo AN/APS-54 và một hệ thống phản công điện tử (ECM) AN/APT-5. Hệ thống K-4A sử dụng bộ kính ngắm ném bom gắn trên mũi máy bay, và mũi máy bay làm bằng kính plexiglas trên những chiếc XB-47 và B-47A được thay bằng mũi kim loại. Nó có bốn cửa sổ nhỏ bên trái và hai cửa sổ bên phải mũi máy bay. Một thay đổi khác dễ nhận biết so với những chiếc đời cũ hơn là cánh đuôi đứng của phiên bản B-47B có góc vuông thay vì góc tròn.

Các cải biến trên phiên bản B

Khoang chứa bom của phiên bản B-47B ngắn hơn so với chiếc XB-47 và B-47A, vì các vũ khí nguyên tử đã được thu nhỏ lại trong thời gian đó. Tuy vậy, chiếc B-47B lại có thể mang được một tải trọng bom lớn hơn khá nhiều, lên đến 8.200 kg (18.000 lb). Mọi chiếc B-47B đều được trang bị tháp súng đuôi với một cặp súng 20 mm và hệ thống kiểm soát hỏa lực (FCS) hướng dẫn bằng radar B-4. Hệ thống FCS B-4 tỏ ra có nhiều sự cố đến mức mà trên một số chiếc B-47B chúng được thay thế bằng bộ ngắm quang học N-6. Phi công phụ có thể xoay ghế của anh ta lại hướng ra phía sau và ngắm các khẩu súng trực tiếp.

Trong thực tế, trữ lượng nhiên liệu khổng lồ của chiếc B-47 vẫn chưa đủ để mang lại cho nó tầm bay xa mà Không quân Mỹ mong muốn, nên đã có một số quan điểm trong số giới chức Không quân cao cấp phản đối kiểu máy bay này do tầm bay xa bị hạn chế của kiểu thiết kế ban đầu. Giải pháp cho vấn đề này mang độ ưu tiên cao, nên một thiết bị dùng để tiếp nhiên liệu trên không (IFR) dạng phểu bay được trang bị phía bên phải của mũi máy bay. Đây là lý do chính khiến kiểu mũi máy bay bằng kính plexiglas không được sử dụng. Chiếc B-47B cũng được trang bị một cặp thùng nhiên liệu bên ngoài có thể vứt được, mang trên cánh giữa bộ động cơ trong và ngoài. Những thùng nhiên liệu này khá lớn, có trữ lượng lên đến 6.750 L (1.780 US gal).

Chiếc B-47B phải chịu một sự gia tăng trọng lượng đáng kể so với phiên bản B-47A, nên một trong những biện pháp để làm giảm trọng lượng là loại bỏ các ghế phóng, thay vào đó là một tấm chắn gió được gắn vào cửa ra vào chính của buồng lái sao cho việc thoát ra được dễ dàng hơn. Một số nguồn cho rằng một tai nạn chết người do ghế phóng trên một chiếc B-47A đã đưa đến quyết định như vậy. Cho dù thực chất như thế nào, đây không phải là một giải pháp thân thiện cho đội bay, vì việc thoát ra khỏi máy bay ngay cả ở độ cao lớn đều mang đầy sự cố.

B-47E

Chiếc Boeing B-47E-50-LM (số hiệu 52-3363) đang bay.

Các tên gọi B-47C và B-47D được áp dụng cho các phiên bản đặc biệt mà chưa bao giờ được đưa vào sản xuất. Do đó phiên bản sản xuất hàng loạt tiếp theo của chiếc B-47 là kiểu cuối cùng B-47E.

Chiếc B-47E bay chuyến bay đầu tiên vào ngày 30 tháng 1 năm 1953. Có bốn "khối" hay "giai đoạn" sản xuất của phiên bản B-47E được chế tạo, lần lượt tích hợp các tinh chỉnh của khối trước, và đôi khi cũng có các thay đổi trong sản xuất trên cùng một khối. Các khối cũ hơn thường được nâng cấp lên tiêu chuẩn của khối sau khi chúng được giới thiệu.

Những chiếc "B-47E-I" sản xuất đời đầu được trang bị động cơ turbo phản lực J47-GE-25 với lực đẩy 27 kN (5.970 lbf), nhưng chúng nhanh chóng được thay đổi sang kiểu động cơ J47-GE-25A, vốn cải thiện được đáng kể nhờ áp dụng kỹ thuật phun nước-methanol. Đây là một phương thức mà hỗn hợp nước-methanol được phun vào động cơ trong lúc cất cánh, giúp gia tăng dòng chảy khối nên tạm thời ép lực đẩy lên đến 32 kN (7.200 lbf). Methanol rõ ràng là được thêm vào nước như là chất chống đông. Động cơ để lại một luồng khói đen kịt phía sau khi mở chế độ phun nước-methanol.

JATO

Những cải tiến bổ sung rocket hỗ trợ cất cánh JATO được thực hiện trên những chiếc B-47E-I đời đầu. Chúng được trang bị 18 lọ JATO gắn trong, nhưng được nhanh chóng thay thế bằng kiểu giá gắn bên ngoài có thể vứt được, có dạng hình "chữ V" hoặc hình "móng ngựa", gắn bên dưới thân sau. Chúng mang 33 lọ JATO, bố trí thành ba hàng 11 lọ. Hệ thống JATO gắn trong bị loại bỏ do những lo ngại về những lọ JATO này được bố trí quá gần các thùng nhiên liệu, và trong mọi trường hợp sau khi sử dụng hết chúng chỉ là những trọng lượng thừa. Các giá này có thể mở rộng, và được vứt bỏ tại vùng được quy định sau khi cất cánh. Điều thú vị là, những chiếc B-47 hiếm khi sử dụng JATO khi cất cánh, vì chúng đắt tiền và hơi nguy hiểm hơn so với việc cất cánh không dùng sự hỗ trợ. Điều rõ ràng là chúng được dành cho tình huống báo động khẩn cấp, khi những chiếc máy bay ném bom cần được cất cánh khỏi đường băng càng nhanh càng tốt, và chúng chỉ được sử dụng khoảng mỗi năm một lần trong huấn luyện. Việc phun hỗn hợp nước-methanol động cơ quả là một sự trợ giúp đáng kể lúc cất cánh khi mà JATO không được sử dụng.

Các cải tiến trên phiên bản E

Dự trữ nhiên liệu bên trong của những chiếc B-47E ban đầu được cắt giảm xuống còn 55.369 L (14.627 gal) như là một biện pháp làm nhẹ cân. Biện pháp này được coi là chấp nhận được do việc sử dụng các thùng nhiên liệu phụ lớn bên ngoài, và cũng do Không quân Mỹ đã hoàn thiện kỹ thuật tiếp nhiên liệu trên không đến mức chúng trở thành một thực hành tiêu chuẩn.

Một thay đổi được hoan nghênh trên phiên bản B-47E so với phiên bản B-47B là sự quay trở lại của các ghế phóng. Giới lãnh đạo cao cấp Không quân Mỹ đã xem xét lại quyết định loại bỏ chúng và nhận thấy rằng điều này vô nghĩa. Thêm vào đó, hai khẩu súng máy 0,50 cal (12,7 mm) trong tháp súng đuôi được thay bằng hai khẩu pháo 20 mm để có hỏa lực mạnh hơn, cũng như được hỗ trợ bằng hệ thống kiểm soát hỏa lực A-5 trên những chiếc đời đầu, và hệ thống MD-4 trên những chiếc đời sau.

Một thay đổi cuối cùng trên phiên bản B-47E là đa số các cửa sổ trước mũi được loại bỏ, chỉ để lại một cái mỗi bên. Tuy nhiên, nhiều tấm ảnh của những chiếc B-47E cho thấy chúng có đầy đủ các cửa sổ như trên phiên bản B-47B. Liệu số lượng các cửa sổ có thay đổi trong quá trình sản xuất phiên bản B-47E, hay đó là do nâng cấp những chiếc B-47B lên tiêu chuẩn B-47E, vẫn là điều chưa được biết rõ.

Kiểu B-47E-II chỉ có những thay đổi nhỏ so với kiểu B-47E-I được sản xuất. Kiểu B-47E-III được trang bị một bộ phản công điện tử (ECM), bao gồm một bộ gây nhiễu radar gắn trên một cụm dưới thân cùng một bộ thả nhiễu kim loại, cũng như các máy phát điện được cải tiến.

Kiểu B-47E-IV được nâng cấp triệt để hơn sau đó, bao gồm bộ càng đáp chắc chắn hơn, khung máy bay được gia cố, trữ lượng nhiên liệu nhiều hơn, và tải trọng bom lên đến 11.300 kg (25.000 cân), cho dù khoang chứa bom một lần nữa lại được làm ngắn lại do việc đưa ra các vũ khí nguyên tử nhỏ gọn hơn.

Một cải tiến khác là việc đưa ra hệ thống điện tử MA-7A BNS, một bước cải tiến đáng kể so với thiết bị tiền nhiệm. Bộ MA-7A bao gồm radar AN/APS-64 có tầm hoạt động lên đến 390 km (240 dặm). Bộ AN/APS-64 có thể sử dụng như là bộ thu phát "nhận biết bạn-thù" (IFF: identification friend or foe) tầm xa cho phép một chiếc B-47E-IV có thể tìm ra một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu hay một chiếc B-47 khác, hoặc như là một radar dò mục tiêu trên mặt đất độ phân giải cao. Kiểu B-47E-IV cũng giữ lại bộ ngắm ném bom quang học, cho dù chúng hiếm khi được dùng đến.

Có tổng cộng 1.341 chiếc phiên bản B-47E được sản xuất (691 chiếc bởi Boeing, 386 chiếc bởi Lockheed, và 264 chiếc bởi Douglas). Đa số những chiếc phiên bản B-47B được cải biến lên tiêu chuẩn B-47E. Chúng được đặt tên là B-47B-II, cho dù trong thực tế người ta chỉ đơn giản gọi chúng là B-47E.

RB-47E/RB-47H/ERB-47H/RB-47K

Kiểu B-47E là nền tảng của một số phiên bản máy bay trinh sát tầm xa quan trọng.

Boeing-Wichita đã chế tạo 240 chiếc phiên bản trinh sát RB-47E, tương tự như kiểu B-47E nhưng có mũi máy bay được kéo dài thêm 0,86 m (34 inch) tạo cho nó một kiểu dáng trông thanh lịch hơn so với phiên bản ném bom B-47. Chiếc mũi dài được sử dụng để chứa đến 11 máy ảnh, bao gồm:

  • Một máy ảnh radar O-15 dành cho độ cao thấp.
  • Một máy ảnh chéo hướng ra trước dành cho độ cao thấp.
  • Một máy ảnh ba góc (trimetrogon) K-17 dành cho ảnh toàn cảnh.
  • Các máy ảnh tầm xa K-36.

Chiếc RB-47E có thể mang theo các pháo sáng chụp ảnh để trinh sát vào ban đêm. Cho dù chiếc RB-47E có thể được tiếp thêm nhiên liệu trong khi bay, trữ lượng nhiên liệu của nó cũng được gia tăng thêm lên đến 70.000 L (18.400 gal). Sĩ quan hoa tiêu đồng thời cũng điều khiển các máy ảnh, trở thành "hoa tiêu-chụp ảnh" thay vì "hoa tiêu-ném bom".

Có tổng cộng 32 chiếc kiểu RB-47H được chế tạo cho các phi vụ trinh sát điện tử (ELINT), cũng như là ba chiếc "ERB-47H" chuyên biệt hơn. Những chiếc máy bay này có một mũi bầu tròn đặc trưng cùng các cụm ăn-ten và radar nhằm thu thập thông tin tình báo điện tử. Chúng được thiết kế để theo dõi các hệ thống phòng thủ của đối phương và thu thập thông tin về radar và tín hiệu thông tin phòng thủ.

Khoang chứa bom được thay thế bằng một khoang có điều áp để chứa các sĩ quan chiến tranh điện tử (EWO: electronic warfare officer), còn được gọi là "Quạ" ("Crow" hay "Raven", cả hai đều là những giống chim có màu đen, hàm ý liên quan đến "black ops" có nghĩa là các phi vụ tối mật). Có ba "Crow" trên chiếc RB-47H, nhưng chỉ có hai trên chiếc ERB-47H. Một cụm radar đặc trưng thay chỗ của cửa khoang chứa bom. Các phiên bản RB-47H / ERB-47H đều giữ lại tháp súng đuôi, và cũng được trang bị các bộ gây nhiễu và bộ thả mảnh kim loại gây nhiễu. Điểm khác biệt bề ngoài duy nhất dễ nhận thấy giữa hai kiểu RB-47H và ERB-47H là chiếc ERB-47H có một bầu ăn-ten nhỏ nhưng đặc trưng bên dưới mũi máy bay tròn.

Chiếc RB-47H đầu tiên được giao đến Căn cứ Không quân Forbes tại Topeka, Kansas vào tháng 8 năm 1955. Những chiếc ELINT B-47 tỏ ra có giá trị nên chúng được đưa vào chương trình nâng cấp "Mod 44" hay "Silver King" vào năm 1961 nhằm cung cấp cho chúng các hệ thống điện tử được nâng cấp. Những chiếc máy bay Silver King có thể được dễ dàng nhận biết nhờ vào một cụm lớn dạng giọt nước dành cho ăn-ten ELINT gắn vào một đế bên dưới bụng và chéo một bên thân máy bay, cũng như là một ăn-ten dạng đế gắn dưới mỗi cánh phía ngoài động cơ bên ngoài. Người ta đã không rõ là có phải mọi chiếc RB-47H và ERB-47H đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn Silver King hay không ?

Những chiếc RB-47H và ERB-47H là những máy bay rất có tiềm năng, nhưng khoang EWO không chỉ tù túng chỉ có thể ngồi xổm, mà còn được cách âm và điều hòa nhiệt độ rất kém. Điều này làm cho các phi vụ kéo dài 12 giở trở nên rất khó chịu và mệt mỏi, và một số nguồn còn cho biết rằng các "Crow" còn thỉnh thoảng gặp phải sự rò rỉ nhiên liệu. Không thể thực hiện việc phóng ra khỏi máy bay hướng xuống dưới (cắt qua bụng) khi gần hay trên mặt đất. Các "Crow" phải ngồi như trên xe trượt tuyết trên sàn của lối vào khoang phi công trong khi cất cánh và hạ cánh; phải bò chật vật với quần áo chống lạnh và dù dọc theo một lối đi không được điều áp đến khoang của họ khi lên đến độ cao 3.048 m (10.000 ft).

Các hoạt động của những chiếc RB-47H và ERB-47H là tối mật khi những phi vụ kéo dài 10 giờ thường bay vào ban đêm và ngay cả chỉ huy của căn cứ cũng không được biết chi tiết. Khi đội bay được hỏi về công việc họ làm, họ luôn trả lời rằng đấy là thông tin mật; và khi được hỏi về cái mũi đen tròn của chiếc máy bay, đôi khi họ đã trả lời rằng đó là một cái cản được sử dụng khi tiếp nhiên liệu trên không đề phòng đụng phải máy bay tiếp dầu. Câu trả lời đại loại như vậy lại thường được tin tưởng.

Các phi vụ chiến lược

Các hoạt động chiến lược của 2.000 chiếc B-47 đòi hỏi phải có 800 chiếc máy bay tiếp dầu KC-97 Stratotanker. Trong một phi vụ trinh sát RB-47H tiêu biểu kéo dài 9.360 km (5.200 hải lý), chiếc máy bay sẽ cất cánh từ Thule, Greenland bay qua biển Kara đến Murmansk rồi quay về chỉ để thấy Thule chịu đựng thời tiết xấu, buộc chuyến bay phải chuyển hướng từ điểm tiếp nhiên liệu/quyết định gần bờ biển Đông Bắc Greenland đến một trong ba điểm thay thế có khoảng cách tương đương: Goose Bay, Labrador, London, hoặc Fairbanks, Alaska. Năm chiếc KC-97 tại căn cứ Thule cần có để hỗ trợ phương án này. Hai chiếc dự phòng trên mặt đất và một chiếc dự phòng trên không nhằm đảm bảo hai lần tiếp thêm 9.090 kg (20.000 lb) nhiên liệu ở vị trí cách Thule 965 km (600 dặm). Những chiếc máy bay chở dầu quay trở lại Thule để đổ nhiên liệu và lại thực hiện chuyến bay lần nữa để đón chiếc RB-47H quay trở về sáu giờ sau đó nhằm tiếp thêm một lần nhiên liệu trên không.

Vào ngày 8 tháng 5 năm 1954, sau một phi vụ trinh sát tối mật bên trên bán đảo Kola, một máy bay trinh sát RB-47E thuộc Không đoàn Trinh sát 91 của Sư đoàn Không quân 4 tháo chạy từ lãnh thổ Liên Xô về phía Tây trong khi bị ba máy bay tiêm kích phản lực Xô Viết MiG-17 đuổi bắt. Những chiếc máy bay tiêm kích Xô Viết đã tìm cách tiêu diệt chiếc RB-47E bằng các khẩu súng của chúng trên không phận Liên Xô và Phần Lan, nhưng chiếc máy bay RB-47E bị hư hại đã xoay xở thoát ra đến Thụy Điển rồi quay về Căn cứ Không quân Hoàng gia Anh FairfordGloucestershire, Anh Quốc nơi nó cất cánh, nhờ tốc độ tối đa và bán kính chiến đấu lớn hơn đáng kể so với các máy bay tiêm kích phản lực Xô Viết. Đây là phi vụ đầu tiên mà một máy bay phản lực trang bị máy móc hình ảnh hiện đại được Hoa Kỳ sử dụng để trinh sát quân sự. Sự kiện này được tất cả các bên liên quan giữ tuyệt mật.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 1960, một chiếc MiG-19 của Phòng không Liên Xô (PVO Strany) đã bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát RB-47H (số hiệu 53-4281) bên trên không phận quốc tế tại biển Barents với bốn thành viên của đội bay thiệt mạng và hai người bị phía Xô Viết bắt giữ rồi được thả ra vào năm 1961. Phi công phụ tường thuật rằng chiếc MiG-19 đã gây nhiễu hệ thống radar MD-4 FCS của họ khiến chiếc RB-47H không thể tự bảo vệ.

Trong khi một số chiếc máy bay này thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trong chiến tranh Việt Nam như thu thập thông tin tình báo điện tử (ELINT), chúng sau đó được thay thế bởi các nền tảng Boeing RC-135 thoải mái và có khả năng hơn nhiều. Chiếc RB-47H cuối cùng được cho nghỉ hưu vào ngày 29 tháng 12 năm 1967.

15 chiếc RB-47E chế tạo cuối cùng được lắp các thiết bị bổ sung, bao gồm một hệ thống "radar nhìn ngang trên không" (SLAR: side looking airborne radar) và thiết bị lấy mẫu không khí theo dõi bụi từ các vụ nổ thử nghiệm hạt nhân. Không quân đã cho rằng những chiếc máy bay này khác biệt đáng kể khi được giao hàng vào tháng 12 năm 1955, nên đặt cho chúng tên mới là RB-47K.

Những chiếc RB-47K nói chung được sử dụng trong các phi vụ trinh sát thời tiết, mang theo tám cảm biến thời tiết "dropsonde" sẽ được thả tại những điểm kiểm tra dọc theo lộ trình bay. Thông tin phát ra từ các cảm biến này được thu thập sử dụng thiết bị do hoa tiêu điều khiển. Những chiếc RB-47K đã phục vụ cho đến năm 1963.

Một cách ngẫu nhiên, có sự hiện hữu của các phiên bản B-47F, B-47G và B-47J nhưng đây chỉ là những cải biến đơn chiếc từ các kiểu B-47B hoặc B-47E sẽ được mô tả bên dưới. Không có phiên bản B-47I, vì ký tự "I" rất dễ bị nhầm lẫn với số "1".

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Boeing_B-47_Stratojet http://www.b-47.com/ http://www.ejectionsite.com/stanley/ http://www.fdungan.com/savannah.htm http://www.hq.nasa.gov/pao/History/SP-468/ch12-2.h... http://www.hq.nasa.gov/pao/History/SP-468/cover.ht... http://www.airforcehistory.hq.af.mil/Publications/... http://www.nationalmuseum.af.mil/factsheets/factsh... http://www.adirondack-park.net/history/b47.wright.... http://home.att.net/~jbaugher2/b47.html http://www.coldwar.org/text_files/ussr_overflights...